Làng Cổ Đô xưa và nay . Tác giả TS
Nguyễn Xuân Diện 10.1993
Làng Cổ Đô là một làng quê nhỏ bé nằm
nép mình bên dòng sông Đà cuộn sóng. Xuôi xuôi một chút là Ngã Ba Hạc nơi gặp
gỡ của ba con sông, ba màu nước lại là nơi chất chứa bao huyền thoại từ thuở
hồng hoang khi “vũ trụ mơ màng, càn khôn xếch xác”.
Đất Cổ Đô là đất cổ, trước đó có tên là
An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn
Tây (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).
Xưa, Cổ Đô có nghề dệt lụa. Tương
truyền, công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang đây dạy
dân nghề tơ lụa. Lụa làng Cổ Đô là sản vật tiến vua. Lụa Cổ Đô đã đi vào ca
dao, nức tiếng cả nước:
Lụa này thật lụa
Cổ Đô
Chính tông lụa
cống các cô ưa dùng.
Không chỉ có
vậy. Làng Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học. Hình ảnh “Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” trong câu ca xưa
có thể tìm thấy ở nơi này. Theo quan niệm người xưa, một làng quê trù phú và
bình yên phải có “tam thanh” trong sinh hoạt hàng ngày. “Tam thanh” (ba thứ âm
thanh) là: tiếng đọc thơ, bình văn của kẻ sĩ, tiếng thoi reo lách cách của thôn
nữ và tiếng nô đùa của con trẻ. Làng Cổ Đô là làng có đủ cả “tam thanh”
Người làng Cổ Đô đã tự hào về truyền
thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của quê mình:
Đồn rằng Hà Nội
vui thay
Vui thì vui vậy
chưa tày Cổ Đô
Cổ Đô trên miếu
dưới chùa
Tròng làng lắm
kẻ nhà Nho có tài.
Sinh ra hoa cống
hoa khôi
Trong hai khoa
ấy thì tài cả hai.
Và đây tiếng của sinh họat đời thường đã
dội vào ca dao:
Gái thì giữ việc
trong nhà
Khi vào canh
cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc
sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử
để chờ kịp khoa.
Cổ Đô là đất lành, người xưa nói “đất
lành chim đậu”. Xưa có một gia đình vốn quê ở Cẩm Thủy, trấn Thanh Hoa (Thanh
Hóa ngày nay) vì nghèo mà phiêu dạt tới đất này. Người chồng làm nghề chăn vịt,
người vợ làm nghề nông tang. Họ đã sinh ra một ông Tiến sĩ. Đó là Tiến sĩ
Nguyễn Sư Mạnh. Vì nhà nghèo, cha mất sớm, nên 27 tuổi Nguyễn Sư Mạnh mới lều
chõng đi thi. Ông đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên
hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau Nguyễn Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc
tính (họ Lê) làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.
Gia phả họ Nguyễn còn ghi rõ, khi ông
đang làm Thượng thư bộ Lễ, ông được cử đi sứ nhà Minh. Lúc vào yết kiến, vua
Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo không cài khuy, cho là xấc xược, bèn hạch tội
khi quân (khinh nhờn vua). Sư Mạnh quỳ xuống tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, sứ
thần nước Nam đi lâu ngày, sợ khú mất chữ Thánh hiền, cho nên phải cởi áo ra
hong, xin được đại xá!
Vua thấy ông đối
đáp mau lẹ, muốn hại người tài nước ta, bèn dựa vào câu trả lời đó mà xuống
chiếu rằng: “Nay Thiên triều đã lạc mất thiên Vi Chính trong sách Luận Ngữ, nhờ
người thuộc thiên kinh vạn quyển chép lại giúp”. Vua Minh hẹn ba tháng phải
hoàn tất. Hai tháng đầu, Sư Mạnh chỉ du ngoạn đó đây, dạo xem phong cảnh Yên
Kinh. Đến gần hết hạn, ông mới ngồi vào án, chép liền mấy đêm, xong thiên Vi
Chính, dâng lên. Vua Minh liền lấy sách trong thư viện ra so thì chỉ có thừa
một dấu chấm ở chữ “cộng”. Nhưng đến khi tìm đến bản gốc thì thấy chữ “cộng”
cũng có dấu chấm ấy. Phục tài quá, vua Minh bỏ ý hại mà phong cho chứcThượng
thư lại ban cho áo mũ, thẻ bài như một ông Thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ
“Lưỡng quốc Thượng thư” (Thượng thư ở cả hai nước) ánh vàng chói lọi từ nơi từ
đường họ Nguyễn ở Cổ Đô là nhắc đến chuyến đi sứ vẻ vang ấy. Cũng ở từ đường,
còn có đôi câu đối này:
Luận ngữ nhất
thiên, tâm ấn quyển
Thái bình tứ cú,
khẩu thành chương.
Nghĩa là:
Một thiên Luận
ngữ, khắc rõ trong tim
Bốn câu “Thái
Bình”, miệng nói thành áng văn đẹp.
“Bốn câu Thái Bình” là nhắc chuyện một
bài thơ ứng khẩu đọc dâng vua Lê Tư Thành của Nguyễn Sư Mạnh.
Đó là chuyện “Lượng quốc Thượng thư” -
ông Thượng thư thứ nhất của làng Cổ Đô.
Nhưng làng quê ấy có tới hai ông Thượng
thư, ông Thượng thư thứ hai là: Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Nguyễn Bá Lân là tác giả của bài Ngã Ba
Hạc Phú nổi tiếng. Ông vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ
Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông
là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến
lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học, vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở
đây”.
Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất, ngày 27
tháng giêng năm Canh Thìn (1700). Cha ông là Nguyễn Công Hoàn, khi ấy đã ba
mươi tuổi, mới sinh ông là con đầu lòng.
Nguyễn Công Hoàn tên hiệu là Mai Hiên,
tên chữ là Hạo Nhiên, là một người tài tử nổi tiếng thời bấy giờ. Ông là người
văn tài xuất chúng, trong kinh ngoài trấn âi ai cũng kính phục. Người ta gọi
ông là một trong “Tràng An tứ hổ” (Bốn con hổ đất Thăng Long). “Tứ hổ” đó là:
Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Nguyễn Công Hoàn, tài ba xuất chúng
nhưng về con đường khoa cử thì lận đận. Ông thường đi dạy học ở khắp nơi. Tới
khi Nguyễn Bá Lân 15 tuổi (1714) thì ông mới trở về nhà chuyên tâm dạy con học
hành hàng ngày
Trong phần Tự thuật về mình, Nguyễn Bá
Lân viết rằng cha ông chỉ dạy ông bằng “một cuốn Xuân Thu (một trong Ngũ kinh)
và hơn 20 thiên sách Lễ ký đều không dày quá 100 trang sách giấy Thanh Hoa”. Và
những câu chuyện Nguyễn Công Hoàn dạy học cho con bắt đầu từ đấy; chuyện xướng
họa văn chương giữa hai cha con cũng bắt đầu từ đấy.
Từ nhỏ, Nguyễn Bá Lân vốn đã ham đọc
sách. Thường ngày, bên
án của ông lúc nào cũng bên trái đặt bản đồ, bên phải đặt sách vở. Được cha
trực tiếp dạy dỗ, sự học Nguyễn Bá Lân lại càng tiến tới, chẳng bao lâu thì
vượt cả cha mình (cũng là thầy của mình). Nguyễn Công Hoàn là người phong cách
tài tử, tâm tính khoáng đạt; về văn chương chữ nghĩa thì chẳng chịu nhường ai,
nên giữa hai cha con thường có chuyện thi thố. Chuyện thi thố văn chương giữa
hai cha con bao giờ cũng bắt đầu từ phía ông Hoàn, Bá Lân có cố tránh cũng không
được.
Một hôm, cha con ông cùng qua đò, ông
Hoàn nhìn thấy đàn dê bên kia sông, liền ra bài phú với đầu đề: “Dịch đình
dương xa phú” (Bài phú xe dê cung cấm). Ông Hoàn bảo con rằng: “Nếu sang bờ bên
kia, ta làm xong trước mà mày chưa xong thì ta ném mày xuống sông, mày làm song
trước mà ta chưa làm xong thì mày ném ta xuống sông”. Khi thuyền cập đến, bài
phú của Nguyễn Bá Lân đã xong, Nguyễn Công Hoàn mới làm được một nửa. Ông Hoàn
bắt ông Lân phải ném mình xuống sông, ông Lân không dám nghe lời, ông Hoàn liền
đánh ông Lân. Bài phú ấy đã được người đời tán thưởng và truyền tụng. Người ta
gọi bài đó là: “Nhất độ giang thành chương phú” (Bài phú hoàn thành trên một
chuyến đò ngang).
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện như vậy
về cha con Nguyễn Bá Lân được truyền tụng trong dân gian xứ Đoài, mà đến hôm
nay ở vùng quê ấy, chúng ta vẫn còn được nghe kể. Các sách Đăng khoa lục sưu
giảng (của Thượng thư Trần Tiến, triều Lê Hiến Tông); Tang thương ngẫu lục (của
danh sĩ Phạm Đình Hổ, triều Nguyễn) đều có ghi lại.
18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương
và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và
đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân
đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bá Lân đã từng làm Thượng thư ở 6
bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão
Chúa. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã hết lời ca ngợi
phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời
làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi).
Người thời bấy giờ gọi ông là một trong
“An Nam tứ đại tài” (Bốn người giỏi nhất nước Nam). Đó là bốn ông: Nguyễn Trác
Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân. Nguyễn Bá Lân là tác
giả của bài “Ngã Ba Hạc phú” – “một bài phú Nôm” có địa vị và ảnh hưởng tích
cực nhất định đối với sự phát triển củ “biền văn Nôm”.
Đến với Ngã Ba Hạc phú là đến với vùng
mây nước tươi đẹp, nơi gặp gỡ của ba con sông ba màu nước xui khiến cảm xúc
trào dâng:
Xinh thay! Ngã
Ba Hạc
Lạ thay! Ngã Ba
Hạc
...
Ngóc ngách khôn
dò rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào.
Lênh láng dễ
biết nông sâu, nước đen pha nước bạc.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì Bạch
Hạc thuộc đất Phong Châu ngày xưa, đất ấy có cây chiên đàn, có chim hạc trắng về
đậu ở trên cây nên gọi là Bạch Hạc. Cảnh đẹp Ngã Ba Hạc được hiện lên với những
nét nguyên sơ, hoang dã:
Ba góc bờ tre văng vắng,
huyệt Kim Quy chênh hẻm đá gồng ghềnh.
Một chòm bãi cỏ phơ phơ,
hang Anh Vũ thấu lòng sông huyếch hoác.
Cảnh vật khôi nguyên là thế, mấy nét
chấm phá về con người cũng hiện lên rất mực thanh tao:
Rủ dây dù ông Lã
máy cần
Trần trã mặc Chử
Đổng ngâm nước
Trôi trối dài
hơi cốc lặn, mênh mang mây nước ao thành
Vênh vênh thẳng
cánh cò bay, sẵn nước doành Ngân bến Bắc.
Thanh tao là thế, mà cũng không chỉ có
thế. Ngã Ba Hạc còn là nơi trên bến dưới thuyền tấp nập và sinh động:
Bè khách thương lạ bến,
tượng chân quỳ gối lắc cày xuôi
Thuyền ngư phủ trôi dòng,
dang nách khom lưng chèo dếch ngược.
Và cứ thế cảm hứng chủ đạo là lòng yêu thiên
nhiên quê hương rất mực chân thành xuyên suốt bài phú. Vẻ xinh tươi, tấp nập
của bến nước hiện dần lên, như họat cảnh trên màn sân khấu nhờ việc sử dụng
ngôn ngữ tài ba và bút pháp độc đáo, với luyến láy thuần thục uyển chuyển pha
chút vui tươi dí dỏm gây dư âm vang xa mãi.
Dường như tất cả tình yêu thiên nhiên
đất nước con người của Nguyễn Bá Lân đã trào lên ngọn bút và gửi gắm trong Ngã
Ba Hạc phú này. Không có tình yêu bền chặt với quê hương, không có sự từng trải
và tâm hồn nghệ sĩ sao có thể viết được một bài phú dậy lên sức sống như vậy
được.
Đã mấy trăm năm qua, kể từ khi Ngã Ba
Hạc phú ra đời, vậy mà mỗi khi qua ngã ba sông ấy vẫn nghe như đâu đây âm vang
dư ba của bài phú trác tuyệt này.
Ngã Ba Hạc phú là điểm sáng chói sự
nghiệp văn chương của Nguyễn Bá Lân, nhưng ngoài bài phú đó, ông còn có hàng
chục bài phú chữ Hán, cũng đều là những hòn ngọc xinh đẹp trong chuỗi ngọc của
lịch sử văn chương Việt Nam. Các tuyển tập phú cổ như: Danh phú hợp tuyển, Danh
phú tập, Bát Vận phú, Hoàng Lê bát vận phú đều có tuyển nhiều bài của ông. Đó
là: Trương Hàn tư thuần lô phú, Cung Nhân trúc diệp phú, Giai cảnh hứng tình
phú... tất cả đều là những bài phú chữ Hán mẫu mực.
Ngã Ba Hạc còn đấy, đẹp như thuở xa xưa
khi Nguyễn Bá Lân “thấy Ngã Ba Hạc xinh thay, làm ra một phú”. Hỏi có ai qua
bến nước này; ngắm nhìn mây nước này, chẳng nhớ tới bài phú của người con đất
Cổ Đô văn vật ấy.
Người xưa nói: “Địa linh nhân kiệt” (đất
thiêng thì người giỏi). Đất Cổ Đô vốn là đất linh cho nên cái tơ duyên văn
chương thuở trước còn nối với hôm nay. Làng Cổ Đô hôm nay, tuy chưa có những
tài thơ sánh với Nguyễn Bá Lân, nhưng làng quê ấy vẫn có người làm thơ, có thơ
xuất bản hay in trên sách báo trung ương. Đó là các nhà thơ và người làm thơ
Trần Cẩn, Linh Kha, Khánh Hữu, Nguyễn Bách, Quốc Trụ... Hiếm có một làng quê
nhỏ bé và hẻo lánh nào mà số người làm thơ và có thơ in nhiều đến thế, ấy là
chưa kể đến những người làm thơ chỉ để cho riêng mình, với tâm sự của riêng
mình mà không hề in ở dâu. Cổ Đô có “Câu lạc bộ những người cao tuổi” sinh hoạt
khá đều đặn, một hình thức sinh họat đầy chất văn hóa, thể hiện một nét đẹp
tinh thần của một lớp người ở đây. Một bài thơ, một vế đối của một người xướng
ra được hàng chục bài thơ vế đối họa lại như là lời đáp “đồng thanh tương ứng,
đồng khí tương cầu” của những tâm hồn bè bạn.
Làng Cổ Đô là làng lụa, làng thơ. Làng
Cổ Đô được ôm ấp bởi lũy tre xanh ngăn ngắt, bởi dòng Hồng Hà trằn sóng đỏ, bởi
dải đê như tấm khăn hồng choàng lên cánh đồng xanh rợn sóng lúa lại là cái đẹp
của sắc màu hội họa. Có phải vì sắc màu quê hương Cổ Đô đẹp là vậy mà làng Cổ
Đô đợc trời phú cho một nét đẹp văn hóa nữa: Làng họa sĩ không? Thật vậy, Làng
- họa sĩ, ba tiếng ấy nói lên đầy đủ một nét đặc trưng nữa của làng Cổ Đô. Ai
có thể ngờ rằng, cái làng nhỏ bé ấy ở rất xa trung tâm văn hóa lớn mà có tới
gần hai chục họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy tại hai trường
Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hoặc chí
ít thì cũng được đào tạo tại Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc -Họa trung ương..
Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, ai là không
nhắc họa sĩ lão thành Sĩ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế
con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh
của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các Viện Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức,
Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được
vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí Sĩ Tốt mãi mãi được
ghi nhận trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều rất đáng nói về ông là,
từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và
được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm,
Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa. Nhận thấy
việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật phải kịp thời và
cần thiết, nên trong cuộc đời họa sĩ của mình nhất là kể từ khi về hưu tại quê
nhà, họa sĩ Sĩ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách
nhiệm và lòng yêu thương sâu sắc nhất.
Với lớp lớp trò nhỏ của ông, đều không
phụ công dạy bảo của thầy đều đã trưởng thành. Mỗi người công tác ở mỗi cơ quan
khác nhau (ở đài truyền hình, ở trong quân đội, trong các trường sư phạm,
trường nghệ thuật hay ở các câu lạc bộ) song họ đều nghĩ về quê hương, nghĩ về
thầy, nghĩ về đồng nghiệp lại càng tăng thêm tinh thần trách nhiệm và ý thức
vươn lên về mọi mặt.
Cổ Đô Làng lụa, làng thơ, làng họa sĩ.
Bấy nhiêu đặc trưng của một làng quê có thể tóm tắt bằng mấy chữ này: Cổ Đô –
Làng văn hóa. Cổ Đô xưa và nay có được những vẻ đẹp văn hóa ấy, chính là do nó
được xây dựng trên một cái nền học vấn, nền tảng ấy do người dân bao đời san
đắp, tạo dựng. Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học. Đất Cổ Đô là đất học. Thời
phong kiến, Cổ Đô rạng rõ với những ông Nghè, ông Cống; sang thời Pháp, làng
quê này lại tự hào với những Cử nhân, Tú tài Tây học, và giờ đây ngót 300 Cử
nhân, Phó Tiến sĩ của làng càng làm người Cổ Đô tự hào hơn. Trọng học, người
dân Cổ Đô, dù còn nhiều khó khăn vẫn cố gắng góp công, góp của xây dựng trường
sở, động viên con em mình học hành để chờ đón những vận hội mới của quê hương
đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh. Nhịp sống Cổ Đô xưa đã vui vẻ là thế,
mong Cổ Đô sẽ mãi xứng đáng với lời đồn:
Đồn rằng:
Hà Nội vui thay
Vui thì
vui vậy, chưa tày Cổ Đô.
Tác
giả TS Nguyễn Xuân Diện 10.1993