Nguyễn Sư Mạnh
Nội dung:
Nguyễn Sư Mạnh người làng Cổ Đô Hà Tây, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời Lê Thánh Tông. Được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu, cử đi sứ Trung Quốc năm 1500.
Có nhiều giai thoại về chuyến đi sứ này: Khi vào yết kiến vua nhà Minh, Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo, đế hở bụng. Vua Minh giận dữ, cho là sứ thần nước Nam thất lễ, hạch tội khi quân, định trục xuất về nước.
Nguyễn Sư Mạnh quỳ tâu rằng: “Vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá”.
Nghe vậy, vua Minh vừa muốn thử tài, vừa muốn hại người nước Nam, thách Nguyễn Sư Nam viết lại cuốn sách Thiên Vi Chính. Nguyễn Sư Mạnh nhận lời. Vua Minh còn hạ lệnh trong 30 ngày phải hoàn tất. Vua Minh chắc mẩm sứ thần nước Nam không thể làm nổi việc đó, sai người theo dõi. Nhưng sau nhiều ngày, gần hết thời hạn quy định mà không thấy sứ Nam làm gì, chỉ ngồi đánh cờ. Đến ngày thứ 25, vua Minh sai người nhắc nhở, Nguyễn Sư Mạnh trả lời: “Ngày mai thần sẽ viết”.
Đến ngày thứ 29, ông đã dâng một bản chép Thiên Vi chính cho vua Minh. Nhận sách, vua Minh khen sứ thần có trí nhớ tuyệt vời, sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ công thừa một dấu chấm. Vua Minh hạch tội, Nguyễn Sư Mạnh khảng khái nói: “Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa”. Vua Minh cho đem bản gốc ra so sánh thì y như lời Nguyễn Sư Mạnh, chữ công cũng thừa dấu chấm thật.
Phục tài, vua Minh không lý gì để làm hại sứ thần nước Nam, lại phong cho ông chức Thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ Lưỡng quốc Thượng thư được khắc tại từ đường họ Nguyễn Cổ Đô nhắc đến công lao của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh. (http://vi.wikipedia.org/)
Theo gia phả dòng họ, Nguyễn Sư Mạnh sinh năm 1458 (Mậu Dần), cha người Cẩm Thủy (Thanh Hóa), mẹ người làng Cổ Đô (Ba Vì - Hà Nội). Vì cha mẹ mất sớm, nhà lại nghèo nên mãi đến năm 27 tuổi ông mới lều chõng đi thi và đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân đời vua Hồng Đức thứ 15 (1484). Về khoa thi này, sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, Nxb VHTT, H. 2003, tr 763 - 764) và sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Khoa mục chí) của Phan Huy Chú cho biết: Tháng 2 thi Hội các cử nhân lấy đỗ 44 người. Vào thi Đình đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng nho sĩ, cho đỗ theo thứ bậc khác nhau. Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Tên ông được khắc trong bia "Hồng Đức thập ngũ niên Giáp Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và chép trong Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
Hoạt động và cống hiến của Nguyễn Sư Mạnh chủ yếu ở thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và thời Lê Hiến Tông (1498 - 1504) - là thời kỳ phát triển thịnh đạt của quốc gia phong kiến Đại Việt.
Năm Cảnh Thống thứ 3 (1500), Nguyễn Sư Mạnh tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Về sự kiện này, các tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư (tập III, Nxb VHTT, H.2003, tr 33); Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập II, Nxb Giáo dục, H. 1998, tr 5) và Lịch triều hiến chương loại chí (phần Bang giao chí) đều chép rõ: "Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 25 vua sai sứ sang nước Minh. Hình bộ tả thị lang Nguyễn Duy Trinh, Lễ khoa đô cấp sự trung Lê Lan Hinh, Thượng bảo thiếu khanh Nguyễn Nho Tông sang tạ ơn cúng tế"...
Về tên gọi Lê Lan Hinh, sách Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục còn ghi rõ: Người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức; nguyên trước họ Nguyễn, tên là Sư Mạnh, sau được ban quốc tính (họ Lê).
Mặc dù chính sử không ghi chép nhiều về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Sư Mạnh nhưng việc ông được vua Lê ban quốc tính đã ghi nhận những cống hiến của ông đối với triều đình, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao. Chúng ta được biết, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã tổ chức phong thưởng tước vị và ban quốc tính cho những bậc "khai quốc công thần” trong đó có Nguyễn Trãi (Thường Tín - Hà Nội)... Tuy nhiên từ triều Lê Thái Tông (1434 - 1442) việc ban quốc tính không còn được thực hiện rộng rãi như trước, chỉ những người thực sự có tài năng, cống hiến to lớn mới được hưởng ân tứ ấy. Thời Lê Thánh Tông có Dương Bang Bản (quê ở Thanh Liêm - Hà Nam) được ban họ Lê tức là Lê Tung. Ông là nhà sử học nổi tiếng đã soạn Việt giám thông khảo tổng luận (1 quyển). Cho đến thời Lê Hiến Tông (1498 - 1504) có Nguyễn Sư Mạnh được ban quốc tính, gọi là Lê Lan Hinh.
Theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí thì Nguyễn Sư Mạnh là người tài cao, học rộng, kiến thức quảng bác, uyên thâm mà câu chuyện đi sứ kể trên là một minh chứng. Sự nghiệp văn chương của ông tuy bị thất truyền, nhưng từ nhiều thế kỷ qua, nhân dân ta vẫn tôn thờ và ngưỡng mộ tài năng đức độ của ông, coi ông là tấm gương lớn để noi theo.
Với đánh giá như vậy, nhà thờ Nguyễn Sư Mạnh ở Cổ Đô đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích quốc gia dạng lưu niệm danh nhân tại quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001. (http://lichsuvn.net/).
Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018