Những người viết gia phả: “Để kể
lại câu chuyện về nòi giống...”. Bài do new.tuoitre.vn phỏng vấn ông Võ Ngọc An
16 năm qua, từ khoảng sân nhỏ của ngôi nhà đầu đường Bà Huyện
Thanh Quan, quận 1, TP.HCM, tách khỏi đời sống đô thị sôi động, những người
viết gia phả đã giới thiệu hơn 100 bộ gia phả, nhiều tư liệu, hồi ký giá trị
cho các dòng họ và cũng truyền nhiệt huyết dựng phả cho hàng trăm người trẻ
quan tâm đến gia phả học.
Ngày cuối năm, ngồi cùng nhóm bàn bạc về kế
hoạch điền dã mới đầu năm tới, ông Võ Ngọc An - phó viện trưởng thường trực Viện Lịch
sử dòng họ, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả - chia sẻ
với TTCT câu chuyện lặng lẽ của ông và các cộng
sự...
Buổi
làm việc của ông An (phải) cùng các thành viên Trung tâm Nghiên cứu và thực
hành gia phả - Ảnh: N.V.N. |
1% NGƯỜI VIỆT CÓ GIA PHẢ
Vì sao ông cho rằng việc dựng
phả là quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Chiến tranh đã kết
thúc, đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ. Sau những cuộc di cư, ly tán, sau
chia lìa chiến tranh và sau thời kỳ khó khăn về kinh tế, nghèo nàn về học
vấn... thì nay điều kiện xã hội đủ đầy hơn, tôi nghĩ nhiều người đặt câu hỏi về
tổ tiên nòi giống, huyết thống, quê xứ của mình. Đó là lý do để chúng tôi bắt
tay vào công việc này.
Gần đây tôi nghe nói ngay cả
những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia
phả để đặt hàng “dựng phả” cho họ. Theo ông, việc đó nói lên điều gì?
- Một số vị lãnh đạo
như Phan Văn Khải, Trần Văn Danh, gia đình ông Lê Hồng Anh, ông Trương Tấn
Sang, bà Trương Mỹ Hoa, ông Phạm Chánh Trực... có đề nghị chúng tôi lập phả.
Công việc của chúng tôi được họ hoan nghênh.Lãnh đạo thì cũng từ dân mà ra, họ
cũng có tâm tư, mong muốn như một người dân bình thường, đó là được biết dòng
dõi gốc gác của mình. Họ cho rằng sự nghiệp giúp bà con có bộ gia phả là đúng
đắn và tin tưởng nên tìm đến với chúng tôi.
Nhưng không chỉ các
vị lãnh đạo đâu, có khoảng 151 chi họ khác cũng tìm đến đặt chúng tôi dựng gia
phả. Nhiều người dân cho rằng việc làm lịch sử dòng họ có nhiều tác dụng thiết
thực như giúp mọi người nhớ ngày sinh, ngày mất, ngày giỗ của ông bà cha mẹ,
biết được tên người tiền nhân để sau đặt tên cho con cái khỏi trùng, giúp xã
hội tìm được thân thế dòng họ của mình, quê hương bổn quán ra sao...
Với công việc nghiên
cứu, những bộ gia phả thực tế giúp chúng tôi có dữ liệu hình thành những bài
học, giáo trình cho học sinh sinh viên trong trường học... Theo nghiên cứu của
viện tôi, hiện nay chỉ non 1% người ở Việt Nam có gia phả (kể cả mới và cũ).Đó
là con số quá ít ỏi.
Tại sao ở một đất nước coi gia
đình là tế bào xã hội, xem gia tiên là đạo nhưng những tàng thư về gia phả, gốc
tích trước đây lại chưa được chú trọng? Có bao giờ nguyên nhân nằm ở chính tâm
tính người Việt - không coi trọng việc ghi chép, làm tư liệu?
- Tôi nghĩ trong
thâm tâm, ai cũng muốn dòng họ mình có lịch sử thành văn vì dòng họ không có
lịch sử thành văn thì thông tin mờ ảo lắm. Nhưng xưa chỉ những người biết chữ,
có bằng cấp, trung lưu, quan quyền vua chúa mới có điều kiện dựng phả.
Ngoài ra, trong quá
khứ đã có lúc nhà nước mình không xem trọng chuyện gia phả, coi đó là biểu hiện
của sự phục hồi phong kiến. Tư liệu, điều kiện, con người tập trung cho nghiên
cứu gia phả cũng ít ỏi. Cũng có yếu tố tính cách người Việt không mặn mà chuyện
làm tư liệu như anh nói, nhưng điều này cũng phụ thuộc nhận thức và dân trí xã
hội nói chung.
Hiện nay câu chuyện dựng phả
trong dân ra sao, thưa ông?
- Trước đây thông
tin gia phả chỉ được “lưu” ở dạng ký ức dòng họ, trí nhớ người này người kia
hay cùng lắm là trên bia mộ, giấy tờ hành chính... Bây giờ thì có nhiều dạng
làm gia phả trong dân dưới dạng thành văn.Ví dụ hiện nay ở TP.HCM có 356 dòng họ
thì có 30-35 ban liên lạc dòng họ được thiết lập.Các ban liên lạc này cũng có ý
hướng xây dựng gia phả một cách tự nhiên, chứng tỏ ít nhiều cũng cho thấy người
dân bắt đầu nhận thức về ý nghĩa của gia phả tốt hơn.
Ảnh:
Nguyễn Vĩnh Nguyên |
Ông có một bài viết nêu ra ý
này: “Cần chống lại việc xem thiết chế dòng họ nhẹ hơn thiết chế nhà nước”...
- Dòng họ là một
thực thể xã hội. Dòng họ có trước rồi nhà nước mới có sau.Mà dòng họ sản sinh
ra nhà nước chứ không phải ngược lại.Dòng họ, mà ở đây là người dân bầu ra nhà
nước, giao phương tiện cho nhà nước qua thể chế chính trị để nó góp phần cải
tạo xã hội.Vậy dĩ nhiên nhà nước nào phù hợp với nguyện vọng của dân (là tập
hợp các gia đình, dòng họ) thì phát triển mạnh, nhà nước nào đi ngược lại sẽ bị
phủ định.
Đất nước trải qua chiến tranh
và chia cắt. Trong một gia đình, dòng họ đã có lúc người đứng bên này, kẻ đứng
bên kia chiến tuyến. Phải chăng ý nghĩa sâu xa của dựng phả cũng là giúp con
người vì máu mủ huyết thống mà ngồi lại với nhau, nhìn lại anh em dòng tộc?
- Ý nghĩa sâu xa của
thiết chế dòng họ mà tôi đã nói đúng là như vậy.
KỂ CÂU CHUYỆN VỀ NÒI GIỐNG
Việc dựng phả hôm nay có được
nhiều người trẻ quan tâm?
- Khi chúng tôi đến
tham gia giảng dạy ở ĐH Văn hóa, ĐH KHXH&NV TP.HCM thì được sinh viên hưởng
ứng nhiệt tình. Có nhiều nhóm sinh viên còn liên lạc để đến trung tâm xin tư
vấn, thực tập, học cách làm gia phả.Có những bạn trẻ trách chúng tôi rằng sao
lâu nay người lớn không nói sớm cho họ được biết. Có những nữ sinh viên nói với
chúng tôi rằng bấy lâu cứ nghĩ con gái thì không lo những việc lớn của dòng họ
như dựng phả, nhưng sau đó họ tìm hiểu, bắt đầu làm những phả đồ chỉ trong ba
đời nhưng phản ánh rất trung thực thông tin dòng họ.
Kiến thức nhiều
thanh niên giờ sâu hơn chúng tôi, họ tiếp cận phương pháp dựng phả rất hay, rất
nhanh, nhiều sáng kiến mới mẻ lắm. Trong trung tâm chúng tôi, những người trực
tiếp đi điền dã, dựng phả cũng chính là những thanh niên đầy nhiệt huyết.
Khi đi vào trong dân để dựng
phả, hẳn có nhiều nguồn thông tin thú vị liên quan đến vấn đề lịch sử hay thế
giới tinh thần của người dân?
- Hiện có nhiều
trường phái làm gia phả, tạm chia hai hướng: thực hành trên tư liệu, sách vở và
đi vào dân để điền dã, phỏng vấn, ghi chép. Chúng tôi chọn phương pháp đi vào
dân. Khi đi vào dân có rất nhiều tư liệu, sự kiện, nhân chứng quan trọng, quý
giá để bổ sung cho lịch sử, bổ sung cho những điều mà nhà khoa học lịch sử nói.
Ví dụ nói về ông
Nguyễn Minh Hương đi đánh Tây cùng Thủ Khoa Huân mà có tư liệu nói rằng ông này
làm tình báo để bắt ông Thủ Khoa Huân.Chúng tôi đi xuống, người dòng họ
Nguyễn rất băn khoăn.Chúng tôi đi từ nỗi băn khoăn đó mà trở ngược lại tìm ngọn
nguồn trong hồ sơ tư liệu thì thấy câu chuyện không phải vậy. Nguyên nhân cái
chết của Thủ Khoa Huân không liên quan đến ông Nguyễn Minh Hương. Như vậy,
chúng tôi có dữ liệu để có thể minh oan cho một nhân vật trong lịch sử.
Có những nhân vật
lịch sử cụ thể phải đi vào thực tế mới xác định được. Ví dụ vừa rồi báo chí nói
rằng có những người mạo danh nói về phả đồ ông Nguyễn Trung Trực nên dòng họ cố
cựu của ông Nguyễn Trung Trực ở xóm Nghề, Thạnh Đức, Bến Lức, Long An đã phản
ứng. Tôi thấy cách tốt nhất để giải quyết không phải là kiện tụng mà chỉ cần
một thao tác là nghiên cứu làm gia phả dòng họ Nguyễn Trung Trực một cách có
phương pháp thì mọi thứ sẽ sáng rõ.
Ví dụ một người nghèo, không có
tiền đặt hàng thì họ có hi vọng được các ông làm cho một bộ gia phả hay không?
- Cũng hãy thông cảm
là chúng tôi có một nhóm hơn 30 người bỏ công sức, thời gian đi làm, thuê xe
cộ, phải chi phí các thứ. Trong mỗi dòng họ thì có người nghèo, người khá
giả.Nếu những người khá giả trong dân ý thức về trách nhiệm làm gia phả cho
dòng họ mình thì tốt. Những trường hợp khó khăn tìm đến với trung tâm, chúng
tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí, cặn kẽ về cách làm để chính họ là người sẽ dựng
phả cho dòng họ mình. Nhiều người đã được chúng tôi tư vấn, hướng dẫn dựng phả
thành công.Dẫu có tiền hay không, chỉ cần muốn tư vấn, chúng tôi luôn sẵn lòng
giúp họ.
Trung tâm Nghiên
cứu và thực hành gia phả TP.HCM được thành lập năm 2005, do ông Võ Ngọc An
làm giám đốc, có khoảng 30 hội viên thuộc Hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Trước
đó nhiều năm, trung tâm này hoạt động dưới hình thức nhóm những người đam mê
nghiên cứu và viết phả, được cụ Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ (đã qua đời), giáo sư
Mạc Đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, phó giáo sư Huỳnh Lứa làm cố vấn. Trung tâm đã dựng
hơn 100 bộ gia phả, viết hàng chục quyển hồi ký cho nhiều người, tư vấn việc
lập nhà thờ họ, viết lịch sử đình Mỹ An Hưng, Bà Điểm, Bến Đò, Mỹ Ngãi, Long
Chiến..., mở lớp bồi dưỡng phương pháp dựng phả, viết sách hướng dẫn dựng gia
phả. |
Gần đây, ông có quan tâm đến
những trang mạng về gia phả không?
- Tôi quan tâm đặc
biệt. Tôi nghĩ rằng các chi họ không có phả mà muốn có phả, cách dễ nhất là
dựng phả trên mạng.Nhiều người tham gia làm gia phả trên mạng sẽ tạo ra hệ
thống gia phả xã hội. Ở đó, ngoài cây phả hệ thì còn có thể lưu trữ phim ảnh,
tài liệu...
Trên các trang gia
phả nước ngoài, tôi thấy gia phả của họ xuất phát từ cá nhân rồi lần đến mối quan
hệ gia đình rồi mới “triển khai” tới tổ tiên. Còn tư duy của người Việt mình
thì ngược lại, tất cả phả đồ được chiếu theo chiều dọc, tức từ tổ tiên mới tới
cá nhân. Chính vì vậy, chúng tôi muốn học hỏi nước ngoài trong ứng dụng kỹ
thuật, công nghệ, xong vẫn giữ cách dựng phả theo tư duy người Việt.
Trong quá trình nghiên cứu gia
phả thì có những vấn đề sự thật bị cấm kỵ hay đụng chạm đến một quan điểm lịch
sử chính thống nào đó, khi đó cách hành xử của mình ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi chọn con
đường khoa học, phản ánh trung thực khách quan.
Cuối cùng, cứu cánh của nghiên
cứu gia phả học theo ông là gì?
- Gia phả học nghiên
cứu về sự truyền nòi giống, hôn nhân và di truyền. Khi đeo đuổi gia phả Việt
Nam là đeo đuổi việc tìm hiểu và kể về sự truyền nòi giống của con người Việt
Nam. Trong thế giới mà người ta gọi là phẳng thì chuyện
xác lập nòi giống dân tộc càng quan trọng.Vì chúng ta biết mình là ai, tổ tiên
mình thế nào, giá trị của mình ở đâu thì mới đủ sức để tiếp nhận cái hay, bài
trừ cái chưa hay đến từ bên ngoài.
Xin cảm ơn ông.